
Cho dù con bạn đang bị dị ứng hay cảm lạnh thông thường, sổ mũi đến nhiễm trùng xoang hoặc thậm chí là viêm phế quản thì đờm luôn là tác nhân chính khiến bé khó chịu. Dưới đây là một số cách trị đờm cho trẻ sơ sinh giúp làm sạch chất nhờn dư thừa trong cơ thể bé.
Hiện tượng có đờm là gì?
Đờm được tạo ra khi phổi của trẻ bị bệnh hoặc bị tổn thương. Đờm không phải là nước bọt mà là chất nhầy đặc – đôi khi được gọi là đờm – được ho ra từ phổi. Cơ thể sản xuất chất nhầy để giữ ẩm cho các mô mỏng manh của đường hô hấp để các phần tử nhỏ của vật chất lạ có thể gây nguy hiểm có thể bị giữ lại và đẩy ra ngoài. Đôi khi, chẳng hạn như khi có nhiễm trùng trong phổi, một lượng chất nhầy dư thừa được tạo ra. Cơ thể cố gắng loại bỏ lượng dư thừa này bằng cách ho ra đờm. Tuy nhiên bé chưa thể kiểm soát tốt được cơ thể nên chưa thể tự đưa đờm ra. Bố mẹ cần có tác động và tìm ra cách trị đờm cho trẻ em hiệu quả.
Nguyên nhân gây ra hiện tường đờm
Do virus
Virus sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, ho gà, viêm phế quản… đồng thời là tác nhân gây ra hiện tượng đờm.

Dị ứng
Nếu con bạn bị dị ứng với một chất, chẳng hạn như phấn hoa hoặc bụi, cơ thể của chúng coi chất đó như một vật thể lạ và hệ thống miễn dịch của chúng sẽ phản ứng lại. Đồng thời tạo ra đờm để bảo vệ hô hấp.
Nhiễm trùng
Việc cơ thể tạo ra đờm là một cơ chế kháng viêm tự nhiên. Nhưng nếu cơ thể tạo ra quá nhiều đờm hơn mức cần thiết thì lại là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Chức năng mũi họng
Chức năng của mũi họng có vấn đề cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Vách ngăn bị lệch, kích thước khoang mũi nhỏ,… có thể gây đờm mà không liên quan tới tình trạng sức khỏe.
Ảnh hưởng của đờm tới sức khỏe của trẻ
Trẻ sơ sinh thường thở bằng mũi nên việc đờm tích trữ và nghẹt mũi có thể gây trở ngại khi bé bú và ngủ. Khi còn bé, mũi và cổ họng của trẻ chưa hoàn thiện để xử lý chất nhầy nên thường dẫn đến bé phải ho để làm bật chất nhầy ra. Nên nếu như các bé có rất nhiều đờm trong cổ họng thì việc bé phải ho nhiều hay trẻ sơ sinh thở khò khè là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh thì việc tự dùng sức để trục xuất đờm là rất khó bởi trẻ không tự xì mũi ra được. Bởi vậy khi trẻ bị đờm, ho, sỗ mũi sẽ kéo dài hơn người lớn và khó điều trị hơn. Vì có đờm ở cổ họng rất khó chịu nên bé thường xuyên ho, sổ mũi, khó thở.
Cách trị đờm cho trẻ sơ sinh hiệu quả
Hút mũi cho bé
Người lớn có thể chủ động loại bỏ đờm ra khỏi cơ thể bằng cách hỉ mũi hay khạc nhổ nhưng trẻ sơ sinh lại không như vậy. Bé phải cần tới sự hỗ trợ của mẹ và bộ dụng cụ hút mũi để có thể loại bỏ tối đa đờm trong cơ thể.
Hút mũi là việc không mấy dễ chịu và khiến các bé rất sợ hãi. Mẹ cố gắng không la mắng, quát nạt khi bé không hợp tác. Thay vào đó, mẹ có thể thử nói chuyện nhẹ nhàng và giúp con bớt lo lắng. Sau đó mẹ hãy thực hiện từng bước sau đây để việc hút mũi đạt hiệu quả cao nhất.
- Nhỏ vào mũi của bé nước muối sinh lý nồng độ 0,9% để làm ẩm, lỏng các chất nhầy. Bước đệm này sẽ giúp mẹ dễ hút chất nhầy ra ngoài hơn, đồng thời giúp bé đỡ đau.
- Đặt bé nằm trên gối, hoặc nằm nghiêng sang bên. Tay mẹ bóp nhẹ bóng của dụng cụ hút. Từ từ đưa đầu hút vào một bên mũi của bé. Mẹ chú ý thực hiện nhẹ nhàng, không làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
- Dùng ngón tay đè nhẹ cánh mũi bên còn lại, từ từ thả bóng ra. Lau sạch đầu hút. Tiếp tục làm với bên mũi còn lại.

Mẹ có thể hút mũi thêm cho bé nếu trẻ vẫn còn khò khè, khó chịu. Tối đa mẹ chỉ nên hút mũi 4 lần/ngày. Hút mũi quá nhiều có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, làm tình trạng ứ đọng chất nhầy trở nên nghiêm trọng hơn.
Phương pháp thiên nhiên
Mẹ có thể thêm một vài giọt dầu khuynh diệp/ dầu tràm vào nước nóng khi bạn tắm cho con. Điều này tạo ra hơi nước nhẹ nhàng giúp khử trùng và mở đường hô hấp.
Mật ong và chanh, củ cải và lê tươi hay chưng lá hẹ, đường phèn, quất cũng rất phổ biến nhưng mẹ nên tham khảo thật kĩ ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng những biện pháp đông y này.
Vỗ long đờm
Vỗ rung long đờm dựa vào tính chất vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, theo nhịp thở của trẻ để làm long đờm nhớt, thông thoáng đường thở. Tuy cách này được bệnh viện và các kỹ thuật viên sử dụng nhiều nhưng bố mẹ không nên thử tại nhà. Phương pháp này chỉ nên thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ và do các kỹ thuật viên được đào tạo chuyên môn sâu.
Xem thêm: Cách vỗ long đờm cho trẻ sơ sinh thế nào?
Cách phòng tránh đờm cho trẻ sơ sinh
Đờm là kết quả của các tác động ở đường hô hấp vì vậy, để phòng tránh tình trạng đờm ở trẻ sơ sinh, bố mẹ nên chủ động bảo vệ bé trước các bệnh hô hấp bằng cách:
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên và kéo dài đến 18 – 24 tháng sau để tăng sức đề kháng.
- Khi bố mẹ chăm sóc bé cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh cho bé như hút bụi, thay đệm gối thường xuyên,…
- Không cho bé tiếp xúc với khói thuốc
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng
Cách trị đờm hiệu quả cho trẻ sơ sinh không khó, quan trọng là mẹ phải nắm được tình trạng của con và chọn ra biện pháp hiệu quả nhất. Thực hiện đúng cách cũng là yếu tố cần được quan tâm.